Sắt thép BLÓG

Sắt thép, thông tin thị trường, giá cả và các biến động của sắt thép Việt Nam và thế giới

Gỡ khó thép nội: không chỉ bằng chính sách

Các chuyên gia từng dự báo, thị trường thép quý IV/2012 sẽ khả quan hơn do nhu cầu xây dựng cuối năm tăng, song thực tế đang chứng minh ngược lại.

 

Tiêu thụ chưa thấy khả quan mà thép nhập khẩu (NK), nhất là thép giá rẻ Trung Quốc vẫn "ùn ùn" kéo về, khiến ngành thép càng khó khăn. Phóng viên báo KT&ĐT đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi về những giải pháp tháo gỡ khó cho ngành thép hiện nay.

 

Cách đây ít lâu, nhiều chuyên gia dự báo thị trường thép quý IV sáng sủa hơn, tuy nhiên hiện nay, lượng thép tồn kho tại các nhà máy đang tăng từng ngày. Ông giải thích thế nào về tình trạng này?

- Theo thống kê, đến đầu tháng 10, riêng thép xây dựng tồn kho của các thành viên VSA đã vượt 328.000 tấn, cao hơn nhiều so với mức cho phép 200 - 250.000 tấn/tháng. Trong khi lượng tiêu thụ tính đến tháng 10 chỉ đạt 3.307.000 tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù trước đó, chúng tôi dự kiến quý IV vào mùa xây dựng có thể tiêu thụ trung bình 400.000 tấn/tháng như năm ngoái, nhưng thực tế qua nửa đầu tháng 10, tình hình vẫn chưa khả quan hơn quý III, tức chỉ khoảng 360.000 tấn/tháng.

Trong khi đó, thị trường trong nước cung vẫn vượt xa cầu, các nhà máy thép xây dựng chỉ phát huy được 50% công suất thiết kế, thậm chí nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp (DN) tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu (XK) thì vướng thuế chống bán phá giá.

Thép tồn kho chưa giảm, trong khi thép Trung Quốc giá rẻ lại ồ ạt tràn vào, càng khiến sản xuất thép trong nước gặp khó. Theo ông đâu là nguyên nhân chính của vấn đề?

- Theo số liệu Hải quan, tổng lượng thép và nguyên liệu NK đến giữa tháng 9/2012 đạt tới 8 triệu tấn, trong đó riêng thép xây dựng hợp kim (chứa Bo) NK trong 7 tháng đầu năm nhiều gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vấn đề là thép xây dựng NK chịu thuế 15% theo quy định chung và 5% theo Hiệp định thuế quan ASEAN+Trung Quốc, nhưng thép hợp kim được hưởng 0% nên khi vào nước ta sẽ bán được giá rất rẻ. Trong thép chỉ cần lượng Bo chiếm 8o/oo (tám phần ngàn) cũng được coi là hợp kim rồi, khó máy móc nào phát hiện. Trong khi nếu đúng tiêu chuẩn, ngoài Bo phải có các thành phần Crôm, Titan, Mangan… theo tỷ lệ nhất định mới tạo thành thép hợp kim, dùng để sản xuất thép xây dựng đảm bảo chất lượng. Rõ ràng ở đây có sự nhập nhèm giữa thép hợp kim đúng tiêu chuẩn và thép hợp kim kém chất lượng.

Ông nói vậy phải chăng có tiêu cực trong việc kiểm soát NK thép?

- Thực tế quy định còn nhiều lỏng lẻo, tiêu cực ở cửa khẩu chưa giải quyết được… nên người ta tìm mọi cách "lách" để khai báo là nhập thép hợp kim. Còn sản phẩm thực tế có hợp kim không, vào trong nước có sử dụng được không, bao nhiêu đơn vị NK loại thép này… chắc chỉ hải quan biết.

Trong tình cảnh này, nên tháo gỡ cho DN sản xuất thép theo hướng nào?

- Tôi cho rằng cái khó nhất với DN thép hiện nay không còn là vốn mà là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, trước mắt cần giảm ngay thuế VAT từ 10% còn 5% cho thép xây dựng để kích cầu, giải ngân nhanh những dự án đầu tư công không chủ trương cắt giảm nữa. Cùng với hâm nóng thị trường bất động sản, cần tạo chính sách thuế theo hướng khuyến khích XK thép, những DN có nhu cầu NK nguyên vật liệu cần được cung cấp đủ ngoại tệ với tỷ giá ổn định. Từ T.Ư đến địa phương phải dừng cấp phép đầu tư cho những sản phẩm trong nước cung vượt cầu như thép xây dựng, thép cán nguội, tôn mạ, thép hình cỡ nhỏ…

Một biện pháp rất quan trọng là có ngay chính sách hữu hiệu hạn chế thép ngoại giá rẻ để bảo vệ thép nội.

Cuộc chiến với thép ngoại giá rẻ đang làm đau đầu cơ quan quản lý. Vậy, theo ông đâu là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề?

- Bên cạnh việc siết chặt hoạt động tại các cửa khẩu, Nhà nước nên xem xét nâng thuế NK thép, hoặc dùng các biện pháp phi thuế quan để kiểm soát NK những sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Nếu cần thiết có thể kiện chống bán phá giá, với điều kiện DN Việt Nam chứng minh được thép Trung Quốc nhập về Việt Nam rẻ hơn thép bán tại Trung Quốc… Áp dụng biện pháp này phải thận trọng để tránh lợi bất cập hại, vì từ trước đến nay ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Cùng với cơ chế chính sách, bản thân DN thép cần tìm thị trường XK mới, nhằm giảm áp lực trong nước, tăng cường đổi mới công nghệ để nâng "sức đề kháng", giảm giá thành giúp giảm giá bán... Tôi cũng muốn nhấn mạnh, DN cần thay đổi tư duy, có thể chung nhau đầu tư một nhà máy "ra tấm ra món" thay vì cứ làm riêng dẫn đến đầu tư manh mún, mua lại đồ thải của Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm kém sức cạnh tranh…

Xin cảm ơn ông!

Tiêu thụ thép cả năm vẫn "âm" 7 - 11%

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, thép xây dựng tồn kho tới đây khó có thể tăng thêm, vì nếu tiếp tục không bán được hàng, DN sẽ phải có kế hoạch ngừng sản xuất. Tiêu thụ từ nay đến cuối năm nếu đạt trung bình 400.000 tấn/tháng thì tổng lượng thép tiêu thụ cả năm "âm" 7%, còn nếu quý IV vẫn "u ám" như quý III thì cả năm tiêu thụ thép "âm" tới 11% so với năm ngoái.

Nguồn tin: KTĐT