Sắt thép BLÓG

Sắt thép, thông tin thị trường, giá cả và các biến động của sắt thép Việt Nam và thế giới

Ngành thép Việt làm gì trước sân chơi lớn?

Trước những tranh luận về phương án thuế nhập khẩu của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) và chuẩn bị lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện cam kết các FTA đối với ngành sắt thép sắp tới, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam - ông Hồ Nghĩa Dũng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vừa qua có những tranh luận về thông tin liên quan đến ngành Thép đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) có hiệu lực. Bộ Công Thương khẳng định doanh nghiệp (DN) thép nội lo lắng thiếu cơ sở. Ông có ý kiến gì với khẳng định này?

Nếu đưa về ngay thuế suất 0% trong năm 2015, các DN thép có mặt hàng đã sản xuất được trong nước sẽ không cạnh tranh nổi với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Nga. Do đó, chúng ta phải có công đoạn, lộ trình đối với những mặt hàng sản xuất trong nước. Lý do vì sao?

Hiện nay các loại như phôi thép, thép tấm cán nguội, lá cán nguội, ống thép, các loại tôn mạ, tôn mạ phủ màu được các DN thép Việt Nam sản xuất sản xuất trong nước. Đưa ngay về thuế 0% nhiều DN thép có nguy cơ dừng sx và phá sản vì ko cạnh tranh nổi. Bởi vậy Hiệp hội đã có ý kiến là vì thế.


Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam

So sánh nền sản xuất thép của 2 nước, đơn cử là Nga. Đây là nước có ngành sản xuất thép lớn thứ 5 thế giới với sản lượng 63 - 64triệu tấn/năm và xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn hàng năm. Nga là nước có nền sản xuất với quy mô lớn với 70% sản xuất theo công nghệ lò cao, sản xuất từ quặng và đặc biệt có lợi thế về quặng tại chỗ, khí thiên nhiên dồi dào. Trong khi đó ở Việt Nam, thép xây dựng năng lực sản xuất chỉ từ 10triệu tấn/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được 5-6 triệu tấn hàng năm do cung cầu mất cân đối.

Nếu như Nga có lợi thế canh tranh là công nghệ hiện đại, sản xuất 70% từ công nghệ lớn, liên hợp lò cao, theo chu trình dài thì Việt Nam sản xuất theo chu trình ngắn thép được sản xuất từ lò điện bằng phế liệu, nền công nghệ thép chỉ phát triển 10 năm trở lại đây nay. So với thế giới Việt Nam đứng ở vị trí 26, tại Đông Nam Á, năng lực sản xuất cũng nhất nhì tùy từng loại, tiêu thụ xếp thứ 3.

Những yếu tố trên đã cho thấy khả năng cạnh tranh thép của Việt Nam rất là khó thực hiện ngay điều này. Cho nên VSA đã đề xuất bảo vệ có chọn lọc 25/167 mặt hàng trong nước sản xuất được cần có lộ trình từ 5-10 năm.

Cụ thể kiến nghị về lộ trình đó như thế nào, thưa ông?

Vừa qua, với một vài lần tham vấn của VSA thì bản thân Bộ Công Thương (BCT) cũng đã tham khảo, tiếp thu ý kiến và trong công văn trả lời mới đây BCT đang xem khả năng đàm phán cho một số mặt hàng sản xuất trong nước. Dù BCT khẳng định không ảnh hưởng đến ngành thép nhưng phải hiểu là không ảnh hưởng đến ngành thép ngay nếu như BCT đàm phán lộ trình bảo vệ có thời hạn thắng lợi. Nghĩa là trong các mặt hàng đã sản xuất được thì phải có sự bảo hộ trong lộ trình 5- 10 năm. Và trong 10 năm đó các DN Việt Nam phải có các biện pháp, phương án của mình để cạnh tranh. Nếu không ngành thép phải chấp nhận “cuộc chơi” này.



Đối với các mặt hàng trong nước không sản xuất được thì có thể áp thuế 0% như thép hợp kim, thép tấm, thép cán nóng… Sản phẩm thép của bất cứ nước nào vào Việt Nam thì đều phải cạnh tranh nhau. Vì đó không phải là mặt hàng VSA kiến nghị. Mặt hàng sản xuất trong nước thì mới cần thiết phải có ngay lộ trình để bảo vệ. Hiện VSA cũng cử các chuyên viên đang tham vấn với các Bộ, cơ quan. Nếu đạt được thỏa thuận đó thì VSA sẽ ko có kiến nghị về chuyện ngành thép phá sản ngay. Toàn bộ câu chuyện dẫn dắt là vậy.

Tất nhiên trong cuộc chơi này, đi vào hội nhập thì phải chấp nhận thuế sẽ dần dần giảm xuống. Điều quan trọng là chúng ta cần có lộ trình, hàng rào bảo vệ như thế nào cho hợp lý mà thôi.

Khi vào thị trường tự do thì Việt Nam “hi sinh” thị trường mặt hàng này thì các nước đối tác cũng “hi sinh” mặt hàng khác, ví dụ Việt Nam đang phải tìm cách tiếp cận vào Nga cho thị trường nông sản. Ngành thép là ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam, sức cạnh tranh chưa lớn thì cần thiết phải bảo vệ có lộ trình.

Vậy tiến trình cho việc hội nhập đó trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào?

Trong giai đoạn 2015-2020, phần lớn các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã tham gia (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc - Niu Dilân) đối với ngành hàng sắt thép sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu… Do vậy, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan giai đoạn tới dự kiến sẽ có tác động đến ngành thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu…

Bây giờ Việt Nam cũng đã dần dần tham gia WTO - một sân chơi lớn, bắt đầu hội nhập sâu vào thị trường EU. Các hiệp định thương mại sẽ bắt đầu lộ trình từ 2018. Kể từ 2012 thuế đã giảm sâu nhưng chúng ta phải chấp nhận “cuộc chơi” này.

Tuy nhiên VSA không phải là cơ quan nhà nước để chỉ đạo định hướng cho các ngành nhưng với tính chất của hiệp hội VSA cần cung cấp đầy đủ thông tin, xây dựng định hướng, chiến lược để thực hiện tốt những quy hoạch của nhà nước, cụ thể là của BCT đối với ngành thép.

Nhằm phát triển ngành thép, VSA khuyến cáo các DN thực hiện các quy hoạch, trọng đó quan trọng nhất là nhận rõ được sự mất cân đối của thị trường, từ đó hạn chế không đầu tư vào các sản phẩm thép trong nước đang dư thừa. Điều cần làm là thực hiện tốt bài toán về sản lượng và chất lượng, đi sâu vào chất lượng chứ không phải nâng cao công suất toàn ngành đồi với thép xây dựng.



Hiện nay thép cán đang dư thừa, công suất sản xuất 10 triệu tấn/năm, bây giờ chỉ thiêu thụ 5-6 triệu tấn/năm; tương tự thép ống, tôn mạ, cán nguội chỉ tiêu thụ đc 50- 60% khả năng sản xuất.

Vì các điểm bất lợi trên VSA đã định hướng không tăng năng lực mà phải làm sao tăng hiện đại hóa công nghệ, nâng cao và cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành. Mặt khác cũng khuyến cáo các DN dần dần loại bỏ công nghệ quy mô nhỏ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn, ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường.

Trong quy hoạch của Chính phủ đã định rõ quy mô công nghệ nào, đến đâu thì không được đầu tư mới. Cụ thể công nghệ lò cao ở vùng biển thì phải từ 700 khối, nội địa từ 500 khối, lò thép hồ quang đầu tư từ 70 tấn, thép cán quy mô 500 nghìn tấn trở lên. Chính việc đầu tư công nghệ hiện đại và quy mô lớn thì mới tăng sức cạnh tranh. Với tất cả định hứớng như vậy VSA khuyến cáo các DN phải theo sát lộ trình WTO thì mới hành động. Đến thời điểm đó không kiến nghị được thì phải chấp nhận thực tế cuộc chơi.

Ra hội nhập sâu thì ngành thép phải chấp nhận thuế bằng 0%, nhưng thực hiện thuế thấp như vậy thì phải có quy định về hàng rào kỹ thuật bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đồng thời tạo điều kiện cho họ. Theo kinh nghiệm các nước phát triển, người ta rất tự do trong thương mại nhưng không phải dễ gì vào được đất nước họ. Bởi lẽ họ có hàng rào kỹ thuật phòng vệ rất chặt chẽ.

Gần đây thép Việt Nam đã bị kiện bán phá giá đối với một số mặt hàng thép xuất đi Úc, Mỹ, Canada, Indonesia, Hàn Quốc và ngược lại Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

“Cuộc chơi” này phải thực hiện nghiêm túc thôi vì đã đến lúc Việt Nam phải áp dụng đúng luật pháp quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thới cũng phải am hiểu luật pháp đó để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia hội nhập sâu phải biết rõ năng lực và thực chất của ngành mình thì sẽ chủ động được trước mọi “sân chơi” .

VSA cũng thực hiện nhiều hội thảo, tham gia vào các quy hoạch của BCT, tham gia vào các cơ chế chính sách đối với ngành thép, các vụ giải quyết tranh tụng thương mại trong và ngoài nước… Những hoạt động đó biểu hiện tinh thần chuẩn bị cho của ngành thép trong nước khi bước vào hội nhập sâu vào sân chơi này.



BCT cho rằng, về mặt địa lý, Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung nước Nga, cách Viễn Đông xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông đến Việt Nam. Như vậy, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy này, qua Viễn Đông và về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, là những sản phẩm ngành thép lo ngại cạnh tranh. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Về quãng đường vận chuyển thép từ vùng Viễn Đông tới Việt Nam, giá thành không cao là mấy so với từ Trung Quốc. Chúng ta phải biết rằng Nga có nguồn tài nguyên tại chỗ, trong khi đó Việt Nam phải nhập, quặng sắt sản xuất chỉ khoảng 10-12%, 80% thép bằng lò điện, chúng ta nhập thép vụn (phế liệu) từ Nhật, Nga, Mỹ, Hàn Quốc. Nếu nói sản phẩm thép của Nga phải vận chuyển từ xa thì Việt Nam cũng phải nhập phế liệu từ xa. Từng có thời điểm thuế còn thấp, thép nhập từ Nga rẻ đến mức người ta nhập thép tấm về, cắt đi cán thành thép xây dựng.

Cho nên việc cảnh giác là ko thừa. Việc vận chuyển xa đó ko phải là ko có lý nhưng cũng ko đơn giản như đánh giá vậy mà còn nhiều yếu tố khác.

Vậy các nhà sản xuất đã chuẩn bị thị trường nào cho cuộc chơi này và các nhà nhập khẩu phản ứng ra sao, thưa ông?

Ngành xây dựng bị ảnh hưởng đã kéo theo ngành thép bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian qua. Thị trường thép xuất khẩu thì khó khăn hơn xi măng. Thị trường thép truyền thống mạnh các DN của chúng ta không có. Thép xây dựng xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Miến Điện thì cũng chỉ vài trăm nghìn tấn/năm.Thép ống xuất khẩu sang Úc, Mỹ, châu Âu nhưng số lượng cũng chỉ tương tự. Sản phẩm xuất nhiều chủ yếu là tôn mạ, tôn phủ màu của Tập đoàn Hoa Sen sang thị trường Úc, Thái Lan, Indonesia tổng 3triệu tấn/năm so với sản lượng tiêu thụ của cả nước là11triệu tấn/năm.



Vừa qua có một số nước kiện Việt Nam trong việc bán phá giá một số mặt hàng thép thì VSA cũng tham gia và xem xét vì việc chống bán phá giá của nước ngoài đối với Việt Nam. Cũng giống như mình thôi, thực ra cũng có lý của họ vì tự nhiên thấy có lượng thép xuất hiện nhiều vào nội địa thì họ phải có động thái.

Việc áp dụng chống bán phá giá với 4 nước Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia vào lãnh thổ Việt Nam là thép không gỉ. Nhưng các nước này phải chấp nhận vì đó là điều chính đáng.

Tuy nhiên, đối với các nhà nhập khẩu thép trong nước cũng có ý kiến. Các DN sản xuất thì hài lòng nhưng nhà nhập khẩu lên tiếng vì họ nhập khẩu thẳng các chủng loại cùng với các nhà sản xuất trong nước giờ không được giá rẻ như trước nên họ kêu bị thiệt thòi và người tiêu dùng cũng thiệt thòi theo.

Ai cũng có lý, nhưng cơ bản là phải theo luật. Các nước họ họ bán phá giá thực sự thì phải bảo vệ các sản phẩm của mình, bảo vệ DN trong nước mới là lâu dài. Không thể nào có lý khi chúng ta tiêu dùng với giá rẻ nhưng lại vi phạm luật chung đã quy định.
Hồng Anh (Báo Xây dựng)

Tags: Cỏ Nhân Tạo, Lưới Chắn Bóng, Trần Văn Sports

Read More...

Nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ, doanh nghiệp thép 'kêu trời'

Đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu là quá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các DN, nhất là DN ngành thép.



Nếu áp dụng quy định của Dự thảo, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu của ngành thép sẽ là hơn 1 tỷ USD/năm. Ảnh: ST.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam xung quanh những quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, được trình bày tại Hội thảo lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Khó khăn sẽ chồng chất khó khăn

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, năm 2013, toàn ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm nay, dự tính sản lượng sẽ đạt 6 triệu tấn thép thô. Trong đó, 80-90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang với nguyên liệu chính là sắt thép phế liệu.

Trên thực tế, mỗi năm toàn ngành thép phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỷ USD. "Nếu như vậy, theo tính toán của chúng tôi, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu sẽ là hơn 1 tỷ USD/năm. Thực sự đây là gánh nặng quá lớn đối với các DN ngành thép, nhất là trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay”, ông Sưa nhấn mạnh.

Bên cạnh ý kiến của đại diện ngành thép, đại diện Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng có ý kiến lo ngại cho tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành nếu như áp dụng quy định như trong Dự thảo Luật.

"Phải kí Quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu sẽ là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho DN", ông Trần Miên, nguyên trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, ông Miên phân tích, DN phải lo hai khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường là ký quỹ và thực hiện đề án cải tạo. Trong khi đó, tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất. Do vậy, cần có các quy định hướng dẫn để giảm gánh nặng cho DN về tài chính.

Ký quỹ nên càng thấp càng tốt

Chính vì vậy, nhiều DN cho rằng, trong quy định cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng nên xem xét việc loại bỏ hoặc cắt giảm mức giá trị tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

Trước những kiến nghị đó, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Ban soạn thảo dự thảo đã cân nhắc giảm mức giá trị tiền ký quỹ về 50% thay vì 80% như trước. Tuy nhiên, theo ông Sưa, với mức ký quỹ 50%, số tiền mà các DN ký quỹ cũng sẽ tương đương 500 triệu USD/năm.

"Trong khi DN thép trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, thì quy định trên sẽ làm giảm cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước. Nên hạ mức ký quỹ này ở mức từ 1 - 5% để giúp cho ngành thép đứng vững được trong bối cảnh hội nhập", ông Sưa nói.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đều chung một kiến nghị là quy định mức kí quỹ nhập khẩu phế liệu ở mức càng thấp càng tốt, để giảm bớt khó khăn cho DN.

Các DN cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần "gần" hơn nữa với DN trên cơ sở bảo vệ môi trường và lợi ích của DN. Hiện tại, giữa hai bên vẫn còn khoảng cách. Và nếu khoảng cách càng lớn, DN vì "mưu sinh" nên có thể sẽ tìm các công cụ hỗ trợ để qua mặt cơ quan quản lý.

Theo Thời báo Tài chính

Read More...

“Nhập phôi thép hộ” cho người khác, gây thiệt hại tới 62 tỷ đồng

Giám đốc chi nhánh của Công ty Vật tư Vận tải và Xếp dỡ trực thuộc Bộ Công nghiệp (cũ) đã có hành vi làm trái các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước dẫn đến mất mát hơn 62 tỷ đồng.



Sáng nay (27/9), Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử Phạm Công Ngà (SN 1948, ở tại số 19, ngõ 81 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) nguyên là Giám đốc chi nhánh Công ty Vật tư Vận tải và xếp dỡ tại Hà Nội.

Phạm Công Ngà bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, theo tài liệu truy tố, năm 1998, thông qua nhân viên cấp dưới, Phạm Công Ngà đã gặp gỡ Lê Việt Dũng (Giám đốc Chi nhánh Công ty Thương mại đầu tư và phát triển Hà Nội tại Đà Nẵng) và tiến tới hợp tác làm ăn với nhau.

Hai bên thỏa thuận phía Công ty Thương mại sẽ nhập khẩu sắt thép, Chi nhánh Công ty Vật tư sẽ ứng vốn. Khi hàng về phía Lê Việt Dũng bán hàng và trả tiền cho Phạm Công Ngà bao gồm các khoản vốn ứng trước, lãi suất theo ngân hàng và phí nhập khẩu ủy thác.

Từ tháng 5/2001 đến tháng 11/2001, hai bên đã ký 3 hợp đồng ủy thác nhập khẩu phôi thép. Theo đó, hợp đồng thứ nhất, Công ty Vật tư ủy thác nhập khẩu 8.772 tấn phôi thép, trị giá 27 tỷ đồng.

Hợp đồng thứ hai, ủy thác nhập khẩu 8.734 tấn phôi thép, trị giá 26,7 tỷ đồng.

Hợp đồng thứ ba, ủy thác nhập khẩu 4.799 tấn phôi thép, trị giá 14,5 tỷ đồng.

Cả 3 hợp đồng này đều có điều khoản quy định phía Lê Việt Dũng phải đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán trong vòng 60 ngày. Phía Lê Việt Dũng nhận hàng hóa nhưng trả tiền đâu thì sở hữu hàng hóa đến đó, số hàng còn lại thuộc sở hữu của bên B.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Công Ngà không thực hiện đúng quy định của Nhà nước, quy chế của ngành, làm trái nội dung hợp đồng, không bắt Lê Việt Dũng đặt cọc, không thế chấp 100% giá trị hàng hóa.

Lô hàng nhập về cũng không có giao nhận hàng hóa mà ủy quyền cho Lê Việt Dũng đi nhận và giao toàn bộ hàng cho Dũng. Phạm Công Ngà cũng hông theo dõi, giám sát hàng hóa dẫn đến việc Dũng bán hàng, thu tiền xong không thanh toán.

Khi hợp đồng đầu tiên chưa được thanh toán xong thì Ngà ký thêm hợp đồng thứ 2, thứ 3. Điều này dẫn đến số tiền bị Dũng chiếm rất lớn, tổng cộng hơn 62,2 tỷ đồng.

Hành vi của Ngà đã cố ý làm trái quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989.

Quá trình điều tra, Lê Việt Dũng đã tự nguyện nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra 300 triệu đồng, 60.000 USD và 2 ngôi nhà Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) và ở Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội).

Tổng giá trị số tài sản này được định giá là 45,4 tỷ đồng. Như vậy thiệt hại của Chi nhánh Công ty Vật tư Vật tải và xếp dỡ còn 16,8 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Lê Việt Dũng khai số tiền 65,7 tỷ đồng bán phôi thép, Dũng rút 17 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền cán thép ở Mỹ và đưa cho nhân viên Nguyễn Thị Mai Hoa 8,6 tỷ đồng để đưa cho Phạm Công Ngà.

Ngà không thừa nhận khoản tiền lót tay này nhưng do Lê Việt Dũng đã chết ở Mỹ nên không có cơ sở làm rõ.

Với hành vi này, Phạm Công Ngà bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự, khung hình phạt 10 đến 20 năm. Hoàng Duy

Read More...

Quản lý chất lượng thép làm cốt bê tông

Thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp và thép làm cốt bê tông nhập khẩu phải được giám định hoặc chứng nhận phù hợp với quy định.

Hỏi: Công ty tôi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép. Vậy xin hỏi quý báo về quy định việc quản lý chất lượng thép làm cốt bê tông hiện nay?


Thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định. Ảnh minh họa

Đáp: Thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 và mục 4 của Quy chuẩn này cho từng loại thép (theo mác và đường kính danh nghĩa của thép làm cốt bê tông) dựa trên một trong các cơ sở sau: a) Kết quả chứng nhận hợp quy của Tổ chức chứng nhận được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định hoặc thừa nhận; Kết quả thử nghiệm phù hợp Quy chuẩn này của Phòng thử nghiệm được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định trong trường hợp cơ sở sản xuất đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 của Tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất (Phương thức 5 trong Phụ lục II, Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và quy định về đánh giá sự phù hợp trong TCVN 1651:2008, Thép cốt bê tông.

Thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy thể hiện trên nhãn của bó hoặc cuộn.

Thép làm cốt bê tông nhập khẩu phải được giám định hoặc chứng nhận phù hợp với quy định tại mục 2 và mục 4 của Quy chuẩn này cho từng loại thép (theo mác và đường kính danh nghĩa) thuộc lô hàng hoá theo phương thức thử nghiệm mẫu, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa (Phương thức 7 trong Phụ lục II Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Việc giám định hoặc chứng nhận hợp quy thép làm cốt bê tông nhập khẩu do Tổ chức giám định hoặc Tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định hoặc thừa nhận.

Thép làm cốt bê tông nhập khẩu nếu đã được chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 phù hợp với các quy định tại mục 2 và điều 4.4 bởi tổ chức chứng nhận được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định hoặc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp nhập khẩu không phải thực hiện việc giám định hoặc chứng nhận lô hàng hoá theo Phương thức 7.

Thép làm cốt bê tông nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thép làm cốt bê tông đã được kiểm tra nêu trên không phải công bố hợp quy theo quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thép làm cốt bê tông nhập khẩu khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy được thể hiện trên nhãn của bó hoặc cuộn.

Thép làm cốt bê tông lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy được thể hiện trên nhãn và việc ghi nhãn hàng hoá theo quy định tại mục 4 của quy chuẩn này.

Thép làm cốt bê tông lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định tại Thông tư số 16/2009/TT- BKHCN ngày 2 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp; Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại điều 5.1; 5.2 và 5.3 thực hiện theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc chỉ định hoặc thừa nhận tổ chức chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và Thông tư số 11/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 09/2009/TT-BKHCN.

Tùy thuộc tình hình thực tế, đối với trường hợp thép làm cốt bê tông sản xuất, kinh doanh trong nước không thể đánh giá chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu, quyết định việc áp dụng hình thức giám định hoặc chứng nhận hợp quy cho lô sản phẩm theo phương thức 7.

Chuyên mục có sự phối hợp với Vụ Hợp chuẩn hợp quy – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Số 8, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

(Mọi thông tin về lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: hoidap@vietq.vn)

Read More...

Có phải thép Nga khó cạnh tranh ở Việt Nam?


Ngành thép trong nước lo bị cạnh tranh dữ dội bởi thép Nga - Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Vụ Thị trường châu Âu thuộc Bộ Công Thương hôm nay (12-9) vừa có văn bản khẳng định những lo ngại về việc ngành thép Việt Nam sẽ bị phá sản khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakstan (VCUFTA) được ký kết là không có căn cứ xác đáng. Nhưng phía doanh nghiệp thì nghĩ khác.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, trong quá trình đàm phán VCUFTA, phía liên minh hải quan cũng đặt ưu tiên hàng đầu việc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị …

Riêng đối với mặt hàng thép, Vụ Thị trường châu Âu giải thích rằng trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị được bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.

Về tổng thể, phía liên minh có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng sắt thép mà Việt Nam không sản xuất, phía liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam và phía liên minh thống nhất việc đàm phán phải theo nguyên tắc trao đổi có đi có lại, xét trên tổng thể cân bằng lợi ích chung, cho phép có lộ trình cắt giảm thuế nhất định đối với một số mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng nhạy cảm của các bên (tức là không phải đưa ngay về mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực).

Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu, về mặt địa lý, Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung nước Nga, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy từ Nga về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam.

“Do vậy, những lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết là hoàn toàn không có căn cứ xác đáng”, Vụ Thị trường châu Âu khẳng định.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay, ông Phạm Chí Cường, một chuyên gia trong ngành thép (ông Cường nguyên là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) cho rằng ông không tán thành với lập luận của Vụ Thị trường châu Âu về việc sắp thép chở từ Nga về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với các loại thép tương tự đang bán tại Việt Nam.

Bởi theo ông Cường, từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây, đã có nhiều loại sắt thép, phôi được nhập từ Nga về bán tại thị trường Việt Nam; thậm chí có thời điểm thép tấm cuộn (thép thành phẩm) nhập từ Nga về Việt Nam có giá rẻ đến nỗi doanh nghiệp tại TPHCM mua về cắt thành thép dây bán vẫn có lãi.

Mới đây, theo nội dung bản chào khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), dự kiến Việt Nam sẽ cắt giảm hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0% kể từ đầu năm 2015 đã khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước “đứng ngồi không yên”.

Theo phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp thép sau khi dự cuộc họp với Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Bộ Tài chính về việc này đều bị sốc. Do vậy, Hiệp hội đã gửi văn bản đến Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương hôm 27-8 để phản ánh về mức thuế (dự kiến) cắt giảm chưa hợp lý này.

Vấn đề đặt ra là từ nhiều năm nay, do hàng rào thuế quan cao nên thép Nga hầu như ít xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt lo ngại với việc có thể thép Nga sớm xuất hiện trở lại. Vì hiện nay, với tổng sản lượng sản xuất đứng thứ 5 toàn cầu (68,7 triệu tấn/năm), công nghệ sản xuất hiện đại (70% sản xuất bằng lò cao), đã có sẵn thị phần 8,1% sản phẩm xuất khẩu vào châu Á và chi phí sản xuất tốt thì chỉ cần VCUFTA được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại châu Á, nhất là Việt Nam.

Bởi xét về mặt địa lý, Nga không quá gần với Việt Nam như Trung Quốc nhưng nếu tính trên giao thông hàng hải, hàng hóa từ cảng Vladivostok, Nga về tới Việt Nam chỉ mất từ 12-15 ngày; tương đương với việc vận chuyển hàng từ các khu vực nhà máy của Trung Quốc (10 ngày). Hiện nay giá vận chuyển một tấn thép từ Viễn Đông của Nga về Việt Nam khoảng 20 đô la Mỹ, cũng tương đương với vận tải đường biển từ các cảng Trung Quốc về Việt Nam.

Như vậy, khi hàng rào thuế quan giữa Nga và Việt Nam được nhanh chóng xóa đi, các ưu đãi Tối huệ quốc (MNF) ở mức thuế từ 7% đến 15% như hiện nay được dỡ bỏ, ngành thép Việt Nam sẽ thêm khốn đốn cạnh tranh với thép Nga.

Một đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, vấn đề không phải là ngành thép xin bảo hộ, mà rất cần một lộ trình cắt giảm thuế giảm dần theo thời gian, 5 hay 10 năm, với các danh mục cắt giảm được tính toán có chọn lọc.

Read More...

Bộ Công thương phản bác luận điểm về sự phá sản của doanh nghiệp thép

DN thép lo ngại khó cạnh tranh, phải đóng cửa hàng loạt khi thuế nhập khẩu thép từ Nga giảm mạnh về 0%
Quan điểm giữa Bộ Công thương, cơ quan chủ trì đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan (VCUFTA) với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước tiếp tục căng thẳng.


Trước những lo ngại của DN thép về khả năng khó cạnh tranh, đóng cửa hàng loạt khi thuế nhập khẩu thép từ Nga giảm mạnh về 0% nếu VCUFTA được ký kết, Bộ Công thương đã phát đi thông cáo trấn an DN và dư luận.

Theo lập luận của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía Liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.

Như vậy, về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng sắt thép mà trong nước không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam.

“Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung, cách Viễn Đông xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông đến Việt Nam. Như vậy, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy này, qua Viễn Đông và về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, vốn đang gây lo ngại lớn cho ngành thép Việt Nam”, Vụ Thị trường châu Âu nhận xét và cho rằng, lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết là không có căn cứ.

Ngay sau khi Bộ Công thương cho rằng, lo ngại của ngành thép Việt Nam là không có căn cứ, VSA cũng đã nhanh chóng lên tiếng.

VSA cho hay, Hiệp hội và các DN thép đã xem xét kỹ danh mục đề xuất này và đưa ra 41 mặt hàng đề nghị mức độ ưu tiên, cân nhắc khi đưa ra lộ trình cắt giảm thuế. Nghĩa là, 41 mặt hàng này cần giữ lộ trình giảm thuế 10 năm, chứ không thể về 0% ngay lập tức, hoặc về 0% sau 5 năm ký kết.

“Nhìn về số lượng, 41 mặt hàng chỉ chiếm tỷ lệ 24,55% trong tổng số 167 mặt hàng, là con số thấp. Trong số 41 mặt hàng này, chỉ có 37 mặt hàng nằm trong danh mục 167 mặt hàng đối tác yêu cầu. Với danh mục mặt hàng nhỏ và không phải mặt hàng nào đối tác cũng yêu cầu cắt giảm ngay, lý do gì phía Việt Nam đề nghị cả danh mục dài, trong đó có 41 mặt hàng nhạy cảm của ngành sản xuất trong nước cũng có khả năng sản xuất”, đại diện VSA nhận xét và cho rằng, việc tham gia Hiệp định với Liên minh Hải quan cần có lộ trình đủ dài cho ngành sắt thép trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, chứ không phải thúc đẩy sự phát triển của ngành này, đồng thời mang tính loại trừ ngành khác.

Hiện công suất của các nhà máy thép ở Việt Nam là hơn 11 triệu tấn phôi, hơn 9,22 triệu tấn thép xây dựng và hơn 2,1 triệu tấn ống thép. Trong khi đó, do nhu cầu thị trường, các nhà máy hiện nay đều sản xuất cầm chừng, nhiều nơi chỉ sản xuất 50-60% công suất thiết kế. Ngoài ra, có những DN nhỏ không cạnh tranh được đã phá sản.

Công nghiệp nặng là nòng cốt, tạo tiền đề phát triển cho các ngành công nghiệp khác. Do vậy, rất cần các nhà làm chính sách cân nhắc lợi ích, đưa ra lộ trình phù hợp để góp phần phát triển ngành công nghiệp nặng trong nước. Việc mở cửa thị trường một cách nhanh chóng và ồ ạt có thể giết chết một ngành hàng còn non trẻ.
Theo Thanh Hương

Read More...

Cắt giảm thuế nhập khẩu còn 0%: Thép nội kêu cứu

TP - Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang đối mặt với nguy cơ phá sản trước đề nghị Việt Nam miễn thuế nhập khẩu thép từ Nga ngay lập tức khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết, dự kiến vào cuối năm nay.



Thép Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Ảnh: Như Ý

50% DN thép Việt phá sản

Theo đề xuất của Nga và Bộ Tài chính, thuế suất với nhóm ngành sắt thép sẽ về 0% ngay lập tức sau khi ký hiệp định (dự kiến năm 2015), chỉ một số có thuế suất giảm dần về 0% trong 5 năm. Nếu điều này được thông qua, ngành thép của Việt Nam đứng trước nguy cơ “sụp đổ” do không thể cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Đặc biệt, từ năm 2018, hàng loạt thuế nhập khẩu sắt thép từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ cắt giảm theo các hiệp định FTA đã ký.


Hiện, ngành thép Việt Nam đóng góp cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Tuấn Dương, Tổng GĐ Tập đoàn Hòa Phát (đơn vị chiếm 18% thị phần thép xây dựng, khoảng 19% thị phần ống thép) cho biết: Trong 10 năm qua, ngành thép Việt Nam phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, sức cạnh tranh so với thép Nga - nước phát triển mạnh về ngành thép trên thế giới, thì ta còn non trẻ.

“Quá trình hội nhập chúng ta vẫn ký các hiệp định thương mại, tuy nhiên phía bạn yêu cầu ngay lập tức thuế về 0% thì gây sốc quá. Điều này có thể khiến 50% doanh nghiệp thép Việt Nam phá sản”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, việc đàm phán các FTA phải tính đến chênh lệch trình độ phát triển. Do đó, với các nước phát triển, Việt Nam cần giữ một mức thuế và có lộ trình nhất định. Nếu không ngành thép sẽ gặp khó khăn rất lớn. “Chúng tôi kiến nghị thuế suất có thể giảm về 0% sau 10 năm hiệp định có hiệu lực. Đây là khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cạnh tranh với thép Nga”, ông Dương nói.

Có lộ trình để… tồn tại

Trong tháng 8 vừa qua, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã hai lần có văn bản đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương xem xét lại đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu sắt thép từ Nga, như đàm phán Hiệp định VCUFTA.

Chiều 8/9, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng, cho biết, cắt giảm thuế nhập khẩu thép từ Nga ngay lập tức cực kỳ nguy hiểm cho ngành thép trong nước. Ông phân tích, hiện sản lượng thép Nga đứng thứ 5 thế giới (khoảng gần 70 triệu tấn/năm), xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới. Tuy không có công nghệ hiện đại nhất thế giới, nhưng ngành thép Nga có lợi thế lâu đời, giá cạnh tranh nhờ nguồn tài nguyên dồi dào như quặng sắt, nhiên liệu…

Trong khi đó, ngành thép Việt Nam mới phát triển, nguyên liệu hầu hết phải nhập khẩu (hoặc tái chế), nhiều nhà máy công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao… Tổng công suất các nhà máy thép Việt Nam hiện nay khoảng 20 triệu tấn/năm.

Trong đó, thép xây dựng khoảng 10 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ 5 triệu tấn/năm. “Nếu thuế nhập khẩu thép Nga về 0% vào năm 2015 (như đề xuất), ngành thép Việt Nam chắc chắn sẽ sập ngay”, ông Dũng nói.

Thép Việt Nam cũng đang cạnh tranh khốc liệt với thép Trung Quốc trên thị trường nội địa. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép Trung Quốc sẽ về 0% (theo Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc).

“Tham gia thị trường chung phải chấp nhận, nhưng chúng ta có thể dựng hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của thép nhập. Đặc biệt với thép Trung Quốc, khi giá rẻ, chất lượng không đồng đều… như đã và đang xảy ra”, ông Dũng nói.

Để có thời gian cho thép nội chuẩn bị, VSA đã có văn bản kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét cẩn trọng đề xuất giảm thuế nhập khẩu sắt thép của Nga; trên cơ sở bảo hộ cho ngành thép trong nước phù hợp với lộ trình WTO (thuế nhập khẩu thép về 0% vào năm 2020).

“Thay vì đưa thuế suất về 0% vào năm 2015, chúng ta có thể đàm phán để có lộ trình giảm thuế từ mức 10-15% như hiện nay về 0% vào 5-10 năm tới. Đặc biệt với loại thép trong nước đã sản xuất được, như thép xây dựng thông thường, cán nguội, thép ống, cán lá…”, ông Hồ Nghĩa Dũng đề xuất.

Theo ông Dũng, trong hiệp định FTA có nhiều ngành nghề khác nhau, có ngành được lợi, có ngành bất lợi. Tuy nhiên, cơ quan đàm phán phải cân nhắc hy sinh lợi ích ngành nào, tới đâu… “Chúng tôi đồng ý trong giới hạn nhất định có hy sinh vì ngành khác, nhưng cần có lộ trình, thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị”, ông Dũng nói.

Tags: Cỏ Nhân Tạo, Lưới Chắn Bóng, Trần Văn Sports

Read More...