Sắt thép BLÓG

Sắt thép, thông tin thị trường, giá cả và các biến động của sắt thép Việt Nam và thế giới

2 sức ép đối với ngành thép

Khi khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước chưa chấm dứt thì doanh nghiệp thép chưa thể nhanh chóng cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành sản xuất thép trong nước đang đối mặt với hai sức ép lớn: sức mua thị trường giảm mạnh và thép giá rẻ nhập khẩu tràn lan.

Tiêu thụ chỉ bằng 1/3 công suất
Những năm gần đây, cả nước mọc lên nhiều nhà máy sản xuất thép, đưa tổng công suất thiết kế toàn ngành lên gần 12 triệu tấn/năm, cao gấp nhiều lần so với trước đó. Hiện tượng “trương phình” đó là do giá điện cung cấp cho DN sản xuất cán, luyện thép còn được bao cấp, giá rẻ, nên nhiều tập đoàn nước ngoài đã tận dụng cơ hội rót vốn vào đầu tư xây dựng nhà máy thép ở Việt Nam. 

Mặt khác, sản xuất thép là ngành gây ô nhiễm khá nặng, những nước phát triển tìm cách “tẩy chay” các dự án loại này, vì vậy nhiều tập đoàn tìm cách sang các nước mới nổi đầu tư và Việt Nam trở thành nơi thu hút được nhiều dự án sản xuất thép.
Sức mua yếu, thép nhập khẩu nhiều, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước càng thêm khó khăn. 

2 sức ép đối với ngành thép
Đầu tư ồ ạt, công suất tăng nhanh, trong khi sức mua thị trường chững lại, nên DN sản xuất thép phải cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần, dẫn đến thua lỗ kéo dài. Đặc biệt, trong 2 năm qua, do khủng hoảng kinh tế nên vốn đầu tư xây dựng xã hội giảm mạnh, các DN phải tiết giảm sản xuất, nhiều DN còn đóng cửa một số phân xưởng, cho công nhân giảm giờ làm, vì vậy sản lượng đạt thấp nhưng vẫn tiêu thụ khó khăn. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, ước tính đến hết tháng 9, tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng chỉ đạt 3,24 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm nay, thị trường chỉ tiêu thụ khoảng 4,5 triệu tấn, tức chỉ hơn 1/3 so với tổng công suất toàn ngành.

Thép nhập khẩu tràn lan

Trong khi thị trường tiêu thụ yếu thì thép từ Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN nhập về tràn lan với giá rẻ, tạo nên sức ép lớn đối với DN thép trong nước. Mặc dù các DN đã giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho nhưng vì thép nhập giá thấp hơn nên thép trong nước vẫn ế. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 8 tháng, cả nước nhập khẩu gần 5 triệu tấn thép các loại, trong đó nhập từ Trung Quốc gần 1,4 triệu tấn. Một số sản phẩm nhập từ Trung Quốc tăng rất mạnh, như thép xây dựng dạng thanh và thép hình tăng tương ứng là 123% và 1.612% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường ế ẩm, lại bị thép nhập khẩu lấn át, các DN sản xuất thép trong nước lâm vào tình trạng đình đốn sản xuất. Đến hết tháng 9, toàn ngành tồn kho 320.000 tấn thép thành phẩm.

Hầu hết các DN sản xuất thép phải dùng đòn bẩy tín dụng lớn, nên khi khủng hoảng tài chính xảy ra, lãi suất tiền vay tăng lên cao, đẩy DN vào thế bế tắc, nhiều DN bị lỗ nặng. Trước tình hình đó, một số DN đề xuất cho dựng hàng rào phi thuế quan, như: bắt buộc thép nhập khẩu phải đăng ký và chứng nhận chất lượng… với những thủ tục rất phức tạp để ngăn chặn thép nhập khẩu. Bộ Tài chính cũng đang xem xét khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với một số loại thép để hỗ trợ DN trong nước tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, khi cơn khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước chưa chấm dứt thì sức mua thị trường vẫn yếu, thép nhập khẩu giá rẻ vẫn đổ vào Việt Nam, vì vậy các DN sản xuất thép trong nước chưa thể nhanh chóng cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh.

Nguồn tin: NLD